Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024
Gửi Email In trang Lưu
Văn minh việc cưới, việc tang trong mùa dịch

14/09/2021 10:14

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 luôn có những diễn biến phức tạp; chung sức, đồng lòng với cả nước, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã và đang thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Trong đó, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang là một trong những giải pháp cấp thiết được các địa phương triển khai, nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng.

Là địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng trong tiệc cưới, lễ tang. Trong đó, theo truyền thống, đồng bào các dân tộc như Mông, Lô Lô, Hoa, Tày đều tổ chức đám cưới, đám tang khá linh đình, thậm chí kéo dài nhiều ngày. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Đồng Văn đã tạm hoãn đám cưới; tổ chức đám tang theo tinh thần gọn nhẹ và an toàn; thể hiện nếp sống văn minh việc cưới, việc tang trong mùa dịch.

Sau thời gian tìm hiểu và được 2 bên gia đình ủng hộ, Vừ Mí Say và Thào Thị Mỷ, thôn Ma Xí B, xã Má Lé (Đồng Văn) đã có kế hoạch tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, vào đúng thời điểm dịch bệnh nên sau khi được cán bộ xã, thôn hướng dẫn, 2 em đã tiến hành đăng ký kết hôn trước. Em Vừ Mí Say, chia sẻ: Không được tổ chức đám cưới theo đúng truyền thống để mời anh em, bạn bè, vợ chồng em cũng khá buồn. Nhưng chúng em biết, trên cả nước, mọi người đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, vì vậy, vợ chồng em hoàn toàn nghe theo sự hướng dẫn của cán bộ thôn, xã. Khi nào tình hình dịch ổn định sẽ tổ chức lại.

Trưởng thôn Ma Xí B, xã Má Lé Ly Mí Pó cho biết: Thôn Ma Xí B có 78 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Thông thường, khi hộ trong thôn có công việc quan trọng như đám cưới, đám tang, tất cả 78 hộ này đều sẽ có mặt giúp đỡ. Vì vậy, ngay từ khi có Chỉ thị của Chính phủ về thực hiện dãn cách xã hội, không tập trung đông người, chúng tôi đã đến từng hộ thông báo, đồng thời tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nghiêm theo quy định. Từ đầu năm 2021 đến nay, trong thôn các cặp đôi đều chỉ tiến hành đăng ký kết hôn trước, không tổ chức đám cưới. Đối với đám tang, cũng hạn chế lượng người tham gia. Bà con đều nhận thức rõ được trách nhiệm của mình trong việc cùng cả nước chung tay phòng, chống dịch vì vậy đều đồng tình, ủng hộ.

Đối với việc cưới, vận động người dân hoãn lại sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn. Còn đối với việc tang, với quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”, người thân, láng giềng đều muốn tới, động viên, chia buồn với gia chủ; nhất là khi bà con các thôn sống gắn bó với nhau suốt nhiều đời. Vì vậy, để vận động người dân thực hiện đúng theo quy định phòng, chống dịch khó khăn hơn nhiều lần. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, vừa qua, trên địa bàn huyện, một số xã như Phố Cáo, Sủng Là, Sà Phìn, Lũng Táo… đã loại bỏ hoàn toàn hủ tục trong các đám ma. Theo tìm hiểu, các xã này có những cách làm vô cùng sáng tạo và hợp lòng dân. Cụ thể như: Khi trên địa bàn có đám tang, cán bộ thôn sẽ gọi điện thông báo cho người thân, họ hàng của các gia đình này và khống chế việc mang bò đến đám ma (theo tục lệ của người Mông, mỗi khi có người chết, anh em trong họ sẽ mang bò tới mổ và tổ chức đám tang kéo dài hàng chục ngày). Bên cạnh đó, tại mỗi đám sẽ có cán bộ thôn, xã, công an viên, cán bộ y tế hỗ trợ, hạn chế thấp nhất số lượng người tham gia, đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo đúng quy định.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương ra sức vận động, tuyên truyền bà con thay đổi cách nghĩ, thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang. Vào thời điểm dịch bệnh Covid-19, ý thức phòng, chống dịch được đẩy lên cao. Ở thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, ý thức của người dân trên địa bàn huyện trong thực hiện văn minh với việc cưới, việc tang đều đáng được ghi nhận. Hơn 1 năm nay, trên địa bàn huyện, các đám cưới, đám tang đều được thực hiện đúng theo quy định dãn cách, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; ý thức của bà con được nâng lên rất nhiều. Thực tế, nhiều hủ tục mất hàng chục năm để thay đổi thì đến nay người dân đã tự ý thức được; từ đó tiến tới đẩy lùi các hủ tục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

baohagiang.vn

Tin khác

Tạo "sức bật" cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (14/09/2021 10:01)

Bảo tồn và phát triển chè Shan tuyết (10/09/2021 09:17)

Phạt 20 năm tù cho nhóm đối tượng tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép vào địa bàn (31/08/2021 07:34)

Niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng bộ đưa Hà Giang vươn lên (20/08/2021 09:00)

Tuần lễ giới thiệu nông sản an toàn và sản phẩm OCOP huyện Đồng Văn (18/08/2021 09:35)

Hạnh phúc của những hộ nghèo ở Tả Phìn (17/08/2021 09:32)

Vững tin làm lại cuộc đời (16/08/2021 08:32)

Mưa lớn gây thiệt hại tại Đồng Văn và Yên Minh (16/08/2021 08:29)

Phối hợp đảm bảo an toàn giao thông và phòng, chống dịch Covid-19 (13/08/2021 09:28)

Nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng (05/08/2021 10:21)

xem tiếp