Thứ bảy, Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024

Cải cách hành chính

Gửi Email In trang Lưu
Làng nghề truyền thống tất bật phục vụ Tết

16/01/2020 14:16

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, hiện nhiều làng nghề truyền thống đang hối hả, tất bật chạy đua cùng thời gian để đưa các sản phẩm đặc trưng phục vụ thị trường Tết.

1.Nằm bên dòng Ô Lâu hiền hòa, những ngày cuối năm, làng mộc truyền thống Mỹ Xuyên, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) rộn rã hẳn lên bởi tiếng cưa xẻ, bào đục âm vang.

Chúng tôi ghé thăm cơ sở mộc của nghệ nhân Lê Văn Trực. Ông Trực đang cùng gần 20 người thợ miệt mài chế tác những tác phẩm mộc mỹ nghệ như tượng Phật Di Lặc, tượng Thần Tài, các sản phẩm đồ gỗ nội thất để phục vụ thị trường Tết.

Theo lời ông Trực, nghề mộc Mỹ Xuyên có từ thời vua Nguyễn do các nghệ nhân thời bấy giờ lập ra. Bằng chứng là những ngôi nhà rường cổ ở làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa), hay những đình chùa, miếu mạo có kiến trúc bằng gỗ độc đáo ở Cố đô Huế và các tỉnh thành lân cận… đều có công sức, bàn tay tài hoa của các nghệ nhân mộc Mỹ Xuyên làm nên.

Trải qua thời gian dài của lịch sử, làng nghề mộc Mỹ Xuyên tưởng chừng mai một, thất truyền. Sau năm 1975, nghệ nhân Lê Độ Túy, một người thợ có bàn tay vàng của làng mộc Mỹ Xuyên đã đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) điều khắc mỹ nghệ Mỹ Xuyên.

Người dân làng An Truyền (Thừa Thiên-Huế) làm bánh chưng, bánh tét phục vụ thị trường Tết.

“Chính từ ngày đó, nghề mộc Mỹ Xuyên bắt đầu được khôi phục, ngày càng phát triển và trở thành một làng nghề truyền thống có thương hiệu không những ở khu vực miền Trung mà còn từ Bắc chí Nam. Nói đến mộc mỹ nghệ, sản phẩm do nghệ nhân và người thợ ở làng nghề Mỹ Xuyên làm ra không hề thua kém các cơ sở trong nước”, ông Trực bày tỏ.

Đặc biệt, hằng năm cứ vào vụ Tết Nguyên đán, cơ sở mộc của nghệ nhân Trực và các cơ sở trong làng nghề Mỹ Xuyên phải huy động tối đa nhân lực làm việc thâu đêm suốt sáng, cần mẫn chạm khắc, đục đẽo các thớ gỗ nên những kiệt tác nghệ thuật mộc mỹ nghệ độc đáo.

Chỉ vào bức tượng Di Lặc cao lớn vừa được chạm khắc xong, anh Lê Văn Việt, một người thợ ở làng mộc Mỹ Xuyên, cho hay: “Để hoàn thành bức tượng gỗ cao gần 1,5m, nhóm thợ chúng tôi đã làm liên tục suốt nhiều ngày đêm để có thể kịp hoàn thành đơn hàng giao cho khách chơi vào dip Tết này. Dù công việc có phần vất vả, song sản phẩm làm ra được nhiều khách hàng tin tưởng, ưa chuộng nên đội thợ chúng tôi cố gắng gắn bó với nghề mộc mỹ nghệ này”.

Ông Đoàn Văn Quốc, Chủ tịch UBND xã Phong Hòa, cho biết, hiện làng Mỹ Xuyên có 700 hộ dân, thì có đến hơn 200 người tham gia làm việc tại các cơ sở mộc mỹ nghệ trong làng, trong đó có nhiều nghệ nhân, thợ giỏi và có tay nghề cao.

Theo ông Quốc, do nhu cầu thị trường ngày càng ưa chuộng các mặt hàng đồ gỗ, mỹ nghệ nên cứ đến vụ Tết, ngoài các đơn hàng mộc dân dụng trang trí dịp Tết thì nhiều cơ sở lớn còn nhận cả thi công, lắp đặt nội thất nhà rường trị giá lên đến tiền tỷ, đây là điều mà địa phương hết sức vui mừng khi làng mộc Mỹ Xuyên ngày càng phát triển, khởi sắc.

Rời làng mộc Mỹ Xuyên, chúng tôi tìm về làng An Truyền (xã Phú An, huyện Phú Vang), là làng nghề chuyên sản xuất bánh chưng, bánh tét vào dịp Tết với “tuổi đời” hàng trăm năm. Cũng như nhiều làng nghề truyền thống ở xứ Huế, vào những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý này, nhiều cơ sở làm bánh ở An Truyền đã đỏ lửa suốt ngày đêm để cho ra lò những mẻ bánh chưng, bánh tét nóng hổi, thơm mùi đậu xanh.

Như gia đình ông Đoàn Hưng từ đầu vụ đến nay đã sản xuất khoảng 20 tấn bánh chưng. Ông Hưng bảo, vào thời Nguyễn, bánh chưng được người dân An Truyền sản xuất để tiến vua, còn giờ đây, công đoạn sản xuất loại bánh này đã được cải tiến rất nhiều. Ngoài việc lựa chọn nếp, đậu xanh, thịt lợn ngon để làm bánh và nhân bánh thì mẫu mã bánh cũng được chú trọng để phục vụ thị hiếu khách hàng khi đây là 2 loại bánh được nhiều người chọn đặt trên bàn thờ gia tiên vào ngày Tết đến Xuân về.

Theo người dân An Truyền, một trong những bí quyết giúp bánh chưng, bánh tét ở làng nghề được khách hàng khắp nơi ưa chuộng và chọn đặt hàng là do chất lượng bánh ngon và mẫu mã đẹp, bắt mắt. Vì thế, ngoài các cơ sở làm bánh nổi tiếng ở làng nghề này như hộ ông Đoàn Khỏe, hộ bà Đoàn Thị Nghiệp… thì hiện An Truyền còn có khoảng 100 hộ dân đang gìn giữ nghề làm bánh chưng, bánh tét truyền thống.

Bánh chưng, bánh tét An Truyền không những phục vụ thị trường ngày Tết ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế mà còn có mặt ở nhiều siêu thị trên toàn quốc để phục vụ thị trường ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam.

Ngoài các làng nghề truyền thống nói trên, từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã công nhận 30 làng nghề (2 nghề truyền thống, 10 làng nghề và 18 làng nghề truyền thống). Các làng nghề này đã thu hút hơn 4.000 hộ dân với hơn 8.600 lao động trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, tạo ra giá trị sản phẩm mỗi năm lên đến 374 tỷ đồng.

Hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, trong đó sẽ chú trọng khôi phục, bảo tồn các làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một, thất truyền để góp phần phục hồi các làng nghề, tạo nên những sản phẩm truyền thống đa dạng phục vụ thị trường trong và ngoài nước.

2. Đến hẹn lại lên, vào dịp Tết cổ truyền, các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) lại tất bật nặn tượng con giáp của năm. Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà nặn tượng chuột để bán cho du khách làm kỷ niệm. Khách du lịch nước ngoài đến tham quan làng gốm cổ Thanh Hà đều hứng thú với những tượng chuột bằng đất sét được làm ra từ những bàn tay tài hoa của người thợ gốm...

Dưới bàn tay của nghệ nhân Nguyễn Văn Chín (64 tuổi, trú khối Nam Diêu, phường Thanh Hà) 11 con chuột gốm mỹ nghệ khá xinh xắn vừa được ra lò để trang trí đón Tết Canh Tý. Nghệ nhân Nguyễn Văn Chín đã có hơn 40 năm làm “bạn” với đất sét ở làng gốm Thanh Hà, 3 năm nay, ông làm gốm thủ công mỹ nghệ góp phần làm phong phú sản phẩm làng gốm để phát triển du lịch làng nghề. Giáp Tết, cơ sở ông Chín nhận nặn 11 con chuột trưng bày, thu hút đông du khách đến tham quan.

Ông bày tỏ, chỉ với hình ảnh phát họa một mặt trên giấy A4 của người đặt hàng, ông tự tưởng tượng, thả hồn vào đất và nặn ra những chú chuột với đủ hình dạng khác nhau. Trong 11 con chuột khách đặt hàng có cả chuột bố, chuột mẹ và chuột con, không con nào giống con nào với các tư thế đứng ngồi, khoanh tay, ăn bắp… Mỗi con một màu sắc, hình hài khác nhau. Từ chân, đuôi, mắt, bụng, mọi công đoạn làm nên con chuột mỹ nghệ, ông Chín đều làm hoàn toàn thủ công.

Cứ mỗi con chuột, ông lại làm một công đoạn, chờ cho đất khô dần rồi mới làm những công đoạn tiếp theo mà không thể làm liên tục vì đều là những sản phẩm khổ lớn. Làm đến đâu, ông tưởng tượng chỉnh sửa đến đó để cho ra những con chuột giống với bản vẽ, nhưng vẫn mang thần thái riêng.

“Mỗi con có một thần thái riêng, mình phải làm sao để họ nhận ra con nào là chuột bố, con nào là chuột mẹ, chuột anh, chuột em. Không giống như những con chuột thường khác, mình làm đón Tết nên mỗi con chuột đều được cách điệu, từ áo quần, râu ria, tay chân và cả khuôn mặt đều phải có thần thái, mang hương sắc tươi vui khởi đầu một năm mới đầy sung túc”, ông Chín nói.

Và, vì làm bằng tay mà không có sự trợ giúp của công nghệ nào nên ông Chín cần khá nhiều thời gian cho một sản phẩm chuột. Phải gần 2 tháng ông mới hoàn thành đàn chuột 11 con này. Đến xem ông Chín nặn chuột, nhiều du khách trong và ngoài nước rất thích thú.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (35 tuổi, trú huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) tâm sự: “Những chú chuột rất có hồn được nặn bằng đôi tay tài hoa của các nghệ nhân. Tôi nghĩ những chú chuột này khi ra lò nung sẽ được nhiều người đón nhận…”

Ngoài việc đưa trí tưởng tượng vào nặn chuột, ông Chín phải vận dụng toàn bộ kinh nghiệm của mình vào đất, vào sản phẩm để sản phẩm làm ra đạt như ý, không hư hỏng, chịu đực sức nặng, khi nung không bị bung và khâu nung là một yếu tố quyết định thành bại của nghề.

Để làm ra một con chuột chuẩn đẹp, ông phải sắp xếp chuột vào lò đúng vị trí, đốt lửa đúng độ để khi nung sẽ cho ra màu sành đẹp mắt chứ không phải màu đỏ thuần của đất nung. Người đứng điều tiết lửa canh lò nung phải có kinh nghiệm và phải chịu khó, kiên trì... vì thời gian nung tò he gốm chừng 7 tiếng đồng hồ, nhưng thời gian nung sản phẩm mỹ nghệ của ông Chín được hun, nung đến 7 ngày 7 đêm. Trong mẻ gốm ra lò vào những ngày giáp Tết, những tượng chuột sẽ khẩn trương chuyển đi trưng bày trong dịp Tết Canh Tý này.

cand.com.vn

Tin khác

Tuyển sinh đại học năm 2020: Thêm nhiều ngành học mới để “hút” thí sinh? (16/01/2020 14:14)

Truy tìm 4 giám đốc của dự án “ma”tại Long An lừa chiếm gần 60 tỷ đồng (16/01/2020 14:10)

Vai trò của các "nhân vật" trong đường dây đánh bạc vạn tỷ xuyên Á – Âu (16/01/2020 14:08)

Gặp mặt Đoàn Ngoại giao nhân dịp Tết Canh Tý 2020 (15/01/2020 07:36)

Thí điểm sáp nhập sở ngành, thu gọn đầu mối (15/01/2020 07:35)

Thông tin chính thức về vụ án hình sự tại Đồng Tâm (15/01/2020 07:34)

Bị phạt 12 triệu đồng vì tung tin máy bay rơi (14/01/2020 09:40)

Xét xử vụ gây tử vong cho bé trai ở trường Gateway (14/01/2020 08:45)

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tặng quà Tết đồng bào nghèo Quảng Trị (13/01/2020 09:09)

Bộ SGK đầu tiên cho phép tham khảo miễn phí trên mạng Internet (13/01/2020 09:08)

xem tiếp