Thứ năm, Ngày 25 Tháng 4 Năm 2024

Tin hoạt động

Gửi Email In trang Lưu
Những dấu ấn lập pháp của lực lượng Công an nhân dân năm 2019

25/12/2019 09:58

Năm 2019 ghi dấu ấn thành công về công tác lập pháp đối với lực lượng CAND khi trong hai kỳ họp (Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV), Quốc hội đã thông qua 4 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

 Đó là Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Đây là những dự án luật góp phần tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của lực lượng CAND theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội mà lực lượng Công an có vai trò nòng cốt.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật.

Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV; Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách. Ngày 14-6-2019, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, dự án Luật được Quốc hội biểu quyết thông qua với 91,53% ĐBQH tán thành.

Với 16 chương, 207 điều, Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án; quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân…

Liên quan đến vấn đề tổ chức lao động cho phạm nhân, Luật quy định: Căn cứ vào độ tuổi, sức khỏe, giới tính, mức án, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của phạm nhân; điều kiện đất đai, tài nguyên, các ngành nghề, trang thiết bị, phương tiện, vật tư, nguồn vốn mà trại giam đang quản lý và điều kiện cụ thể của trại giam; khả năng hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân, Giám thị trại giam lập kế hoạch tổ chức lao động cho phạm nhân trong năm, gửi về cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng để phê duyệt.

Kế hoạch tổ chức lao động cho phạm nhân hằng năm phải có các nội dung cơ bản về tổng số phạm nhân, trong đó có số lượng phạm nhân đủ điều kiện lao động theo quy định của pháp luật...

Luật có hiệu lực thi hành từ 1-1-2020. Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ngày 22-11-2019, Dự án Luật được Quốc hội thông qua với 91,51% ĐBQH biểu quyết tán thành.

Với 8 chương, 52 điều và có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành sẽ cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác quản lý xuất, nhập cảnh thời gian qua; đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc cấp, quản lý, kiểm soát giấy tờ xuất, nhập cảnh gắn với cải cách thủ tục hành chính.

Việc ban hành luật cũng nhằm đảm bảo quyền và trách nhiệm của công dân, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, trách nhiệm bảo hộ công dân, bảo đảm an toàn cho công dân và những hoạt động công vụ khác, đảm bảo thân phận về ngoại giao và phục vụ cho việc đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Tháng 9-2019, tại Phiên họp thứ 37, UBTVQH đã nhất trí bổ sung dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019) theo quy trình một kỳ họp.

UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát kỹ dự thảo Luật để phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế, nhất là các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập trong thời gian qua.

Ngày 25-11, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 83,64% ĐBQH tán thành. Có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, việc ban hành luật sẽ tiếp tục cụ thể hoá Hiến pháp 2013, luật hoá các chính sách về tạo điều kiện thuận lợi hành cho các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trong việc đón tiếp, làm việc với người nước ngoài đến Việt Nam.

Với nhiều nội dung đổi mới, luật một mặt tạo cơ chế thông thoáng người nước ngoài tới đầu tư, du lịch, mặt khác tăng cường quản lý theo hướng đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; phục vụ công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Các nội dung đáng chú ý trong luật là việc luật hóa việc cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử trong mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày.

Luật cũng quy định cấp thị thực theo danh sách đối với khách du lịch tàu biển và thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu thuyền neo đậu.

Luật sửa đổi quy định về ký hiệu, thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài theo hướng nâng thời hạn tối đa của thẻ tạm trú lên 10 năm để khuyến khích nhà đầu tư chiến lược hoặc đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn được ưu tiên và phân loại các nhà đầu tư theo mức khác nhau để cấp thị thực, thẻ tạm trú có thời hạn và ký hiệu phù hợp...

Cũng được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Theo đó, dự án Luật được Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua ngày 25-11-2019 với 88,41% ĐBQH biểu quyết tán thành. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 6 Điều 3 nhằm kịp thời khắc phục những bất cập, khoảng trống trống trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.

Luật cũng bổ sung khoản 2 Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 73 của Luật số 14/2017/QH14, trong đó quy định Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành danh mục vũ khí quân dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 của Luật này. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 10-1-2020.

 

cand.com.vn

Tin khác

Hội thảo tham gia ý kiến vào các văn bản Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 75 (25/12/2019 09:57)

Khai mạc trọng thể Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 75 (25/12/2019 09:56)

Tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân vụ 26 bánh heroin trôi dạt vào bãi biển (25/12/2019 09:55)

Tinh gọn bộ máy, phát huy hiệu lực, hiệu quả (25/12/2019 09:54)

Hiệu quả việc bố trí Công an xã chính quy (25/12/2019 09:53)

Đoàn đại biểu Bộ Công an vào viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (25/12/2019 09:48)

Tổng thống Nga nhận tâm thư từ người đồng cấp Mỹ (23/12/2019 15:53)

Sáng kiến dành cho lính chữa cháy (23/12/2019 15:51)

Nỗ lực góp sức vì bình yên cho nhân dân (23/12/2019 15:50)

Ghi nhận từ cuộc thi tìm hiểu Luật An ninh mạng (23/12/2019 15:48)

xem tiếp