Lựa chọn đội ngũ cấp ủy tiêu biểu, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới

10/02/2020 09:55

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Phải trọng dụng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi người có ích cho công việc chung”; phải biết “tùy tài mà dùng người”, sử dụng cán bộ đúng chỗ, đúng việc, “ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”...

 Điều đó cho thấy tư tưởng sử dụng cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết là vì công việc - công việc yêu cầu cán bộ và những cán bộ được lựa chọn phải là người có tài năng, làm được việc. Những lời dạy của Người về việc dùng người là định hướng quan trọng cho công tác nhân sự đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Công tác nhân sự đại hội Đảng là việc rất hệ trọng, có nhiệm vụ lựa chọn đội ngũ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong 5 năm và có thể cho những nhiệm kỳ tiếp theo.

Yêu cầu của công tác nhân sự là phải lựa chọn được những cán bộ thực sự “tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới”; “Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước...”(1).

Để công tác nhân sự đạt kết quả tốt, bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch, trước khi lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy, các tổ chức đảng phải tiến hành công tác đánh giá cán bộ. Yêu cầu của việc đánh giá cán bộ là “phải chặt chẽ và thực chất, trên cơ sở đánh giá của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, đặc biệt coi trọng phẩm chất, uy tín, kết quả cụ thể”(2). Kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ là căn cứ để lựa chọn, giới thiệu nhân sự bầu vào cấp ủy.

Tuy nhiên, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu trong công tác cán bộ của Đảng qua nhiều nhiệm kỳ, thể hiện ở việc đánh giá chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến.

Vì vậy, khi tiến hành công tác nhân sự đại hội, cấp ủy các cấp phải đặc biệt coi trọng công tác đánh giá cán bộ, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm về phẩm chất, năng lực, hiệu quả công tác và triển vọng phát triển của cán bộ dự kiến giới thiệu tham gia cấp ủy. Về vấn đề này, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy chúng ta: “Biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực”(3); có “hiểu biết cán bộ” mới có thể bố trí, sắp xếp cán bộ “đúng chỗ, đúng việc”.

Về phương pháp nhận xét, đánh giá cán bộ, Người luôn yêu cầu phải thực sự dân chủ, khách quan, toàn diện. Sở dĩ phải vậy, như Người thường nói: “Trong thế giới, cái gì cũng biến hoá. Tư tưởng của người cũng biến hoá. Vì vậy, cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhặt, vì nó cũng phải biến hoá”(4). Theo Người: “Xem xét cán bộ, không chỉ xét ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ”, “chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ”, “phải biết ưu điểm của họ mà cũng phải biết khuyết điểm của họ”.

Nhận xét, đánh giá cán bộ là xem xét cả quá trình rèn luyện, phấn đấu của người đó, “không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay”; “chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không”.

Để việc đánh giá, nhận xét cán bộ một cách công tâm, vô tư, khách quan, tránh thái độ chủ quan, thiên lệch, Người còn yêu cầu: “Chẳng những xem xét họ đối với ta như thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không”; “cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không”(5).

Người cũng thường xuyên phê phán những thái độ không đúng trong công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, như: “Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ nhau; ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là người xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách rèm pha, nói xấu”(6).

Những lời dạy của Người về nhận xét, đánh giá cán bộ có ý nghĩa sâu sắc, là kim chỉ nam định hướng cho công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Với quan điểm phải lựa chọn những người có đức, có tài để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra “khuôn khổ để lựa chọn cán bộ”, đó là: Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; những người liên hệ mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng; những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn, khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo, khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn; những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật...

Vận dụng tư tưởng của Người về tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, cấp ủy các cấp cần rà soát, giới thiệu vào cấp ủy những cán bộ tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc và nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng; có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối, quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Về đạo đức, lối sống: Có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nói đi đôi với làm; tâm huyết và có trách nhiệm với công việc; có tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp; công bằng, chính trực, trọng dụng người tài; tuân thủ và thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; không tham vọng quyền lực, háo danh, cơ hội, thực dụng, quan liêu, cửa quyền, cục bộ, bè phái; không tham nhũng, tiêu cực, vụ lợi, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm; không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

Về năng lực: Có tư duy đổi mới; có tầm nhìn và phương pháp làm việc khoa học; có năng lực tổng hợp, phân tích và dự báo; cần cù, tận tụy, ham học hỏi, cầu tiến bộ, có thành tích và kết quả công tác nổi trội ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công, qua thực tế đã chứng tỏ là cán bộ có khả năng phát triển; có năng lực thực tiễn, nắm chắc tình hình thực tế để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực công tác được giao phụ trách; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và vì nhân dân phục vụ; có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm.

Quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về nhận xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị sẽ có đội ngũ cán bộ thực sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để đạt được mục tiêu đó, việc nhận xét, đánh giá, lựa chọn nhân sự cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải được thực hiện theo đúng nguyên tắc, quy trình; bảo đảm công tâm, khách quan, phát huy dân chủ, trí tuệ của tập thể cấp ủy và cán bộ, đảng viên; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cục bộ, bè phái, nể nang, né tránh, ngại va chạm.

Bản thân những cán bộ được giới thiệu tham gia cấp ủy, trong tư tưởng và hành động phải luôn luôn thấm nhuần lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi ích riêng mà nghĩ lợi chung”(7). 

-------------------------------------

 

(1), (2) Chỉ thị số 35-CT/TW của BCT về đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

(3), (4), (5), (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2011, t.5 (tr.321.317.314.297), t.7 (tr.168).


cand.com.vn